Du học tại chỗ đang được nhiều sinh viên Việt Nam lựa chọn vì chất lượng và bằng cấp tương đương với du học nước ngoài nhưng chi phí thì rẻ hơn. Tuy nhiên, du học tại chỗ không hẳn là dễ dàng nếu người học không tìm hiểu kỹ chương trình học, trường theo học. Du học tại chỗ có thể hiểu là những chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Hiện nay liên kết đào tạo thường dưới hình thức chương trình do phía nước ngoài chuyển giao, học tại Việt Nam hoàn toàn hay một phần. Chẳng hạn hai năm ở Việt Nam, hai năm ở nước ngoài (thường gọi là 2+2); ba năm ở Việt Nam, một năm ở nước ngoài (3+1); hay cao học một năm trong nước... Tuy vậy, thí sinh phải chọn chương trình được Bộ GD&ĐT cấp phép mới đảm bảo chất lượng. Những chương trình không được cấp phép sẽ không đảm bảo chất lượng. Lợi thế với du học tại chỗ Nếu so sánh với du học nước ngoài thì du học tại chỗ có nhiều lợi thế trước mắt nên được nhiều người lựa chọn. Đó là bớt được khoản đi lại bằng máy bay, không phải mất tiền ăn ở… Đây là những khoản tiền lớn hơn rất nhiều so với học phí nên giúp người học tiết kiệm đáng kể chi phí so với du học nước ngoài. Thêm vào đó, du học tại chỗ người học không phải đối mặt với sự bỡ ngỡ nơi xứ lạ, được hưởng thụ nền giáo dục tiên tiến ngay tại Việt Nam với chi phí thấp hơn ở nước ngoài. Du học tại chỗ vẫn được đào tạo như môi trường nước ngoài. Giảng viên giảng dạy phần lớn là người nước ngoài, một phần là người Việt Nam. Nhiều chương trình liên kết với Vương quốc Anh của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, hay Bỉ, Úc của Trường ĐH Mở TP.HCM… giảng viên Việt Nam chỉ làm trợ lý cho giảng viên nước ngoài. Hay nhiều chương trình do giảng viên Việt Nam sau khi tập huấn ở nước ngoài đứng lớp. Thông thường bằng cấp đều do nước ngoài cấp. 
Học viên nên chọn những chương trình được Bộ GD&ĐT cấp phép để bảo đảm chất lượng.
Anh Minh Hùng, học viên thạc sĩ luật năm cuối chuyên ngành tư pháp quốc tế và so sánh do Trường ĐH Luật TP.HCM liên kết với Trường ĐH Jean Moulin Lyon 3 (Pháp), cho biết sau khi tốt nghiệp y khoa, anh học cao học Việt - Bỉ của Trường ĐH Mở TP.HCM, rồi sang Pháp học cao học về marketing và giờ thì học thêm cao học luật bằng tiếng Pháp theo hình thức du học tại chỗ. “Thời gian học chỉ trong một năm nhưng phần lớn số giờ học đều do giáo sư các trường ĐH liên kết với Pháp giảng dạy như Jean Moulin Lyon 3, Montesquieu Bordeaux IV, Toulouse 1 Capitole... Ngay trong lớp học còn có sinh viên bản xứ đến học cùng chúng tôi, vì bằng cấp được công nhận tại tất cả quốc gia trong cộng đồng châu Âu” - anh Hùng nói.
Theo nhiều kinh nghiệm du học tại chỗ, người học cần xác định rõ mình có phù hợp với du học tại chỗ hay không. Chương trình chủ yếu được giảng dạy bằng tiếng Anh nên để đảm bảo đạt yêu cầu tối thiểu mà các trường ĐH có chương trình du học tại chỗ đặt ra. 
Cẩn thận khi chọn trường Mặc dù có nhiều lợi thế từ du học tại chỗ nhưng nếu không chọn trường trước khi đăng ký, người học sẽ gặp phải rắc rối. Từ cuối năm 2011, Bộ GD&ĐT đã đề nghị xử phạt, không công nhận bằng cấp của Công ty TNHH Dạy nghề Đào tạo Quốc tế Raffles Việt Nam, Công ty TNHH Nghiên cứu và Giáo dục Việt Nam (ERC Việt Nam), Công TNHH ILA Việt Nam vì các đơn vị này chỉ được cấp phép cho các chương trình đào tạo nghề ngắn hạn nhưng nhiều năm vẫn tuyển sinh và đào tạo cả chương trình cử nhân, thạc sĩ liên kết với nước ngoài. Rõ ràng học chương trình nước ngoài ở trong nước người học sẽ tiết kiệm được thời gian, kinh phí nhưng không tìm hiểu trường theo học sẽ gặp trở ngại không đáng có. Nếu vì ham tấm bằng có giá trị quốc tế mà không tìm hiểu kỹ sẽ lâm vào cảnh mất thời gian học vì đào tạo không tốt, bằng cấp không có chứng nhận... Ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD&ĐT), cho biết: “Trong trường hợp liên kết đào tạo không phép, cơ sở đào tạo phải chấm dứt hoạt động vi phạm, buộc trả lại người học khoản tiền đã thu và chịu mọi chi phí cho việc khắc phục hành vi vi phạm”. Theo ông Nguyễn Xuân Vang, khi người học đăng ký học một chương trình liên kết thì phải tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Để đảm bảo quyền lợi của bản thân, người học cần phải chủ động tìm hiểu thông tin về chương trình đào tạo trước khi đăng ký học. Người học cần tìm hiểu kỹ thông tin về đối tác tham gia giảng dạy, chương trình đào tạo, văn bằng sẽ cấp… và quan trọng hơn là thông tin về văn bản phê duyệt chương trình để đảm bảo quyền lợi chính đáng của bản thân, được theo học chương trình liên kết đào tạo có chất lượng, được cấp phép và văn bằng sẽ được công nhận. Năm 2012 có 174 chương trình liên kết Đến nay Bộ GD&ĐT đã cấp phép cho 174 chương trình liên kết đào tạo của 58 trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp, các đơn vị giáo dục tại Việt Nam với các đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều chương trình liên kết chui của các viện, đơn vị giáo dục với các ĐH nước ngoài. Bộ GD&ĐT liên tục cập nhật các chương trình liên kết đào tạo đã được Bộ cấp phép trên website của Cục Đào tạo với nước ngoài (www.vied.vn) để người học có thông tin kịp thời và đầy đủ nhất, công khai địa chỉ hòm thư để tư vấn trả lời cho ứng viên đang tìm kiếm các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài hoạt động hợp pháp.

Theo duhoc.net
|